Củng cố ngôi vị độc tôn Hoàng_Thái_Cực

Sau khi lên ngôi Hãn, Hoàng Thái Cực thực hiện thỏa hiệp với Đại Thiện. Trước tiên ông thề ước với tất cả các vị Bối lặc, sau đó ba vị Đại Bối lặc dẫn đầu là Đại Thiện cùng tuyên thệ với các vị Bối lặc. Mỗi khi lên triều, khánh lễ hay tiếp kiến quần thần, ông cùng ba vị Đại Bối lặc cùng ngồi vị trí ngang hàng, cùng hướng mặt phía Nam, nhận lễ của các bồi thần, nghiễm nhiên như là tứ Hãn, đồng thời ông cũng miễn lễ quân thần cho họ, coi như anh em tương kiến.

Tuy nhiên, dù ở ngôi Đại hãn nhưng thực tế, Hoàng Thái Cực chỉ nắm quyền lực trong Kỳ mà ông ta quản lý, có địa vị không hơn một Kỳ chủ như những Kỳ chủ khác. Không những thế, cả ba vị Đại Bối lặc và các vị Kỳ chủ khác (anh em nhà Đa Nhĩ Cỗn) còn có quyền cùng nghị bàn quốc chính (chế độ bát nghị), khiến Hoàng Thái Cực bị chế ngự, không thể tự chuyên quyền được. Để thực sự nắm quyền tối cao, ông ta lần lượt thực hiện các biện pháp để loại trừ những nguy cơ đe dọa ngôi vị.

Bức tử A Ba Hợi

Mũi nhọn đầu tiên chính là người vợ được sủng ái của cha mình: A Ba Hợi (Abahai). Với danh nghĩa là người giám hộ của các con, bà khống chế 3 Kỳ, thế lực mạnh hơn cả các vị Kỳ chủ khác. Vì vậy, Hoàng Thái Cực chủ trương lợi dụng sự bất mãn của các vị kỳ chủ khác, bất ngờ tấn công và triệt hạ thế lực của bà. Tương truyền, ngay sau khi lên ngôi, ông đã hợp cùng với các vị Đại bối lặc lớn tuổi, bức Abahai phải tự sát với lý do theo di chúc của vua cha muốn tuẫn táng cùng bà. Sau đó, ông phân chia các kỳ cho các con trai của bà như sau: A Tế Cách nắm Chính Lam kỳ, Đa Nhĩ Cổn nắm Chính Hoàng kỳ, Đa Đạc được giao Tương Hoàng Kỳ[26]

Đối thủ chính trị mạnh nhất của ông bị loại trừ chớp nhoáng. Với các đối thủ còn lại, Hoàng Thái Cực một mặt vẫn tỏ lòng tôn kính, cảm kích đối với các huynh trưởng, thực hiện các chính sách vỗ về họ. Mặt khác, vì ba Đại Bối lặc lớn tuổi vẫn đang nắm trong tay thực lực hùng hậu, khống chế một nửa thế lực trong Bát kỳ. Chính vì thế, Hoàng Thái Cực tiếp tục tìm cách phát huy thế lực của mình.

Đoạt binh A Tế Cách

A Tế Cách là con trai lớn của A Ba Hợi, là anh ruột của Đa Nhĩ CổnĐa Đạc, tuy tuổi còn trẻ, chỉ mới 20 tuổi, nhưng cũng đã từng theo cha chinh chiến, lập được công lao. Vì vậy, nhân một lỗi nhỏ của A Tế Cách, Hoàng Thái Cực đã buộc tội tự ý hành sự, không hề bàn bạc và xin ý kiến chỉ đạo của Đại Hãn và các vị Đại Bối lặc và gán tội vượt quyền, phạt giáng cấp. Quyền kiểm soát Chính Lam kỳ của A Tế Cách bị Hoàng Thái Cực thu lại.

Bên cạnh đó, để xoa dịu sự bất mãn của anh em A Tế Cách, ông mở đường cho A Tế Cách làm phó tướng cho Nhị Bối lặc A Mẫn, hẹn khi lập công sẽ phục hồi chức vị. Đồng thời, Hoàng Thái Cực tìm mọi cách để lôi kéo, ban tặng và phong nhiều danh hiệu cao quý cho hai anh em Đa Nhĩ CổnĐa Đạc, tạm thời hòa hoãn để họ không công kích gây nên rối loạn. Từ đây, thế lực của Hoàng Thái Cực được mở rộng, chỉ sau thế lực của Đại Thiện. Đối thủ thứ hai của ông đã bị loại trừ.[22]

Giam cầm A Mẫn

Bước tiếp theo, Hoàng Thái Cực xác định, Hậu Kim nếu muốn phát triển và tiến lên, cần phải tước bỏ quyền lực của ba vị Đại Bối lặc, chấm dứt chế độ Bát kỳ nghị sự mà thực hiện chế độ mệnh lệnh, phục tùng tuyệt đối.

Năm 1629, Hoàng Thái Cực mở cuộc công kích vào Minh triều. Đại Thiện và Mãng Cổ Nhĩ Thái tỏ ý không tán thành. Tuy cuối cùng, Hoàng Thái Cực cũng thuyết phục họ tán thành thực hiện chiến dịch. Tuy không vượt qua Sơn Hải quan, nhưng quân Bát kỳ cũng chiếm được một số cứ điểm quan trọng. Tuy nhiên, thái độ của 2 vị Đại bối lặc làm cho Hoàng Thái Cực không cảm thấy an tâm chút nào.[22]

Tuy vậy, Hoàng Thái Cực nhận thấy chưa thể động chạm đến hai người này. Do đó, ông chuyển hướng mục tiêu, tìm cách tước quyền A Mẫn. Thời điểm rất thuận lợi, bởi sau khi lập được công lớn trong cuộc chinh phạt Triều Tiên lần thứ nhất, Nhị bối lặc A Mẫn trở nên kiêu ngạo, cậy công, xem thường các vị Đại Bối lặc khác. Ông ta không ngờ những hành động của ông ta đều nằm trong dự tính của Hoàng Thái Cực. Chưa kể, còn vô tình làm Hoàng Thái Cực có được sự ủng hộ của 2 Đại Bối lặc trong việc đoạt quyền.

Năm 1630, Hoàng Thái Cực cử A Mẫn mang quân đi phòng giữ bốn thành mới chiếm được là Thủy Bình, Loan Châu, Thiên An, Tôn Hóa. Quân Minh bất ngờ tổ chức phản công lớn, bao vây và tấn công công Loan Châu. A Mẫn kinh hoàng, hoảng hốt, không tổ chức bất cứ cuộc chống cự nào, chỉ ra lệnh rút quân. Trước khi tháo chạy, ông ta lại ra lệnh cho binh sĩ tàn sát, cướp bóp tài sản quân dân nhà Minh. Ba thành còn lại cũng nhanh chóng rơi lại vào tay quân Minh.

Hành động của A Mẫn khiến cho Hoàng Thái Cực tức giận vô cùng vì bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra để chiếm được 4 ngôi thành đều bị mất toàn bộ, tổn thất binh lực hết sức nặng nề. Nghiêm trọng hơn, với hành động tàn sát cưới bóc thất nhân tâm của A Mẫn, quân dân nhà Minh đề phòng và quyết tâm không đầu hàng, càng tăng thêm khó khăn cho quân đội Hậu Kim trong việc công thành. Để lấy lại thanh danh, Hoàng Thái Cực lập tức triệu tập Chư vương, Bối lặc cùng các đại thần tuyên bố "16 tội lớn" của A Mẫn trong đó tội thứ 11, khép ông ta có mưu đồ áp đảo tranh giành ngôi Hãn. Tuy không bị khép tội chết, nhưng A Mẫn bị xóa bỏ vị trí Đại Bối lặc, tước ngôi vị Kỳ chủ, xử tù chung thân, vĩnh viễn không được sử dụng. Toàn bộ tài sản, dân nô của ông ta và ngôi kỳ chủ đều do người em trai thứ sáu của A Mẫn là Tế Nhĩ Cáp Lãng (âm Mãn: Jirgalang) kế thừa. Một người không có quyền thế và kinh nghiệm chính trị như Tế Nhĩ Cáp Lãng thì lực lượng Tương Lam kỳ do ông ta chỉ huy nhanh chóng trở thành lực lượng trung thành với Đại Hãn. Đối thủ chính trị trực tiếp thứ ba của Hoàng Thái Cực bị loại trừ.

Cách chức Mãng Cổ Nhĩ Thái

Lúc này, thế lực Hoàng Thái Cực đã bắt đầu vững mạnh. Ông trực tiếp nắm Chính Lam Kỳ và Chính Bạch Kỳ, ngoài ra tạm thời khống chế 3 Kỳ khác. Ngoài ra, thông qua nhiều hành động phân quyền, ảnh hưởng của các vị Bối lặc dần bị Hoàng Thái Cực giảm bớt. Điều kiện để tước quyền các vị Bối lạc còn lại đã chín muồi.

Năm 1631, trước khi diễn ra chiến dịch Đại Lãng Hà, Mãng Cổ Nhĩ Thái nhân cơ hội đã yêu cầu Hoàng Thái Cực bổ sung thêm tướng sĩ cho kỳ của mình nhưng đã bị Hoàng Thái Cực từ chối. Mãng Cổ Nhĩ Thái bất mãn không kiềm chế được mình đã cãi vã với Đại Hãn và ẩu đả với người em ruột của mình là Đức Cách Loại, người đã lên tiếng chỉ trích thái độ phạm thượng của ông ta. Tuy đây chỉ là một hành động bộc trực đặc trưng của các dân tộc du mục, nhưng Hoàng Thái Cực nhân cớ đó để thực hiện việc đoạt quyền.

Sau khi chiến dịch Đại Lãng Hà kết thúc, Hoàng Thái Cực đã triệu tập hội nghị các Bối lặc kể tội Mãng Cổ Nhĩ Thái. Hoàng Thái Cực nhanh chóng quyết định tước binh quyền của Mãng Cổ Nhĩ Thái, tống giam ông ta, thu quyền quản lý Chính Lam kỳ, về sau giao cho Hào Cách quản lý. Năm 1632, Mãng Cổ Nhĩ Thái chết trong ngục. Đối thủ chính trị trực tiếp thứ tư của Hoàng Thái Cực đã bị ông loại trừ.

Tước quyền Đại Thiện

Thế cục ba vị Đại bối lặc ngồi ngang hàng với Đại Hãn đã bị phá vỡ, chỉ còn một mình Đại Thiện. Vấn đề chỉ còn là thời gian.

Cuối năm 1631, Hoàng Thái Cực tổ chức hội nghị các Bối lặc họp bàn để định việc sắp xếp thứ tự khi chầu triều, nhân đó, Hán thần của Hoàng Thái Cực là Tham chính Lý Bá Long nêu vấn đề có nên có việc Đại Bối lặc ngồi ngang hàng với Đại Hãn hay không. Hiểu được là Đại Hãn muốn thăm dò phản ứng của mình, Đại Thiện ý thức được tình thế bấy giờ khi Hoàng Thái Cực đã hoàn toàn khống chế được 6 Kỳ. Ông ta buộc phải chấp nhận từ bỏ chế độ Ba vị Đại bối lặc cùng ngồi ngang hàng nghị bàn việc triều chính với Đại Hãn. Từ đây, ngôi vị tối cao của Hoàng Thái Cực đã được xác lập.

Tuy nhiên, về thực lực, Đại Thiện vẫn còn nhiều ảnh hưởng trong Bát Kỳ, vẫn nắm quyền khống chế 2 Kỳ Hồng, uy tín vẫn phần nào lấn át Đại hãn. Tháng 9 năm 1635, nhân một lỗi nhỏ của Đại Thiện, Hoàng Thái Cực đã họp các Kỳ chủ Bát kỳ và quan lại sáu bộ để định tội Đại Thiện. Ông ta bị tước bỏ ngôi vị Đại bối lặc, bị thu lại quyền kiểm soát 2 Kỳ Hồng. Tuy không mất mạng, nhưng qua sự kiện này, thế lực của Đại Thiện không còn cách nào phục hồi được nữa. Đối thủ lớn cuối cùng của Hoàng Thái Cực đã bị triệt tiêu.

Phân bố lại Bát kỳ

Đến lúc này không còn vị Kỳ chủ nào có thể đe dọa vị trí độc tôn của Hoàng Thái Cực được nữa. Tuy nhiên, ông vẫn áp dụng tiếp những biện pháp đề phòng.

Cuối năm 1635, Đức Cách Loại bị ốm. Nhân lúc có người tố cáo ông ta mưu phản, Hoàng Thái Cực bèn đem cả gia thuộc của ông ta ra trị trọng tội, bãi bỏ tôn thất và thu lại Tương Bạch kỳ về tay mình. Đức Cách Loại vì thế uất ức mà chết.

Tiến thêm bước nữa, nhằm ngăn ngừa quyền lực của 2 vị Bối lặc trẻ tuổi Đa Nhĩ CổnĐa Đạc, Hoàng Thái Cực lấy lý do các Kỳ vàng thuộc quyền Đại Hãn, nên thu lại 2 kỳ này và đổi cho Đa Nhĩ Cổn giữ Chính Bạch kỳ và Đa Đạc giữ Tương Bạch kỳ. Động thái này một lần nữa nhằm ngăn cản hai người xây dựng thế lực riêng ở 2 kỳ vốn trung thành với vua cha.

Cục diện Bát Đại Bối lặc cùng nghị bàn việc quốc chính đã kết thúc, cục diện Tam đại Bối Lặc cùng ngồi ngang hàng với Đại Hãn cũng đã bị xóa bỏ. Đến lúc này, Hoàng Thái Cực đã nắm trực tiếp trong tay 3 Thượng Tam kỳ, gián tiếp khống chế 3 Kỳ khác. Giờ đây, mọi mệnh lệnh đều được ban ra từ một người là Đại Hãn. Hoàng Thái Cực đã trở thành vị quân chủ chuyên chế duy nhất, quyết định vận mệnh nước Hậu Kim.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hoàng_Thái_Cực http://www.britannica.com/EBchecked/topic/110832 http://news.sina.com/oth/chinesedaily/301-000-101-... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb159981683 http://id.loc.gov/authorities/names/n84018818 http://d-nb.info/gnd/138504326 http://id.ndl.go.jp/auth/ndlna/00627831 http://sillok.history.go.kr/inspection/insp_king.j... http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063146462 http://zh.wikisource.org/wiki/%E6%98%8E%E5%8F%B2/%...